Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật
Theo đó mục tiêu của Đề
án ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về quy
định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp trong hệ thống pháp
luật trên cơ sở xây dựng, vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý
phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật, từ đó góp phần đẩy nhanh
tiến độ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và nâng cao chất lượng xây dựng,
hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ
tiếp cận, nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức, cơ
quan phản ánh, kiến nghị kịp thời, nhanh chóng và giám sát quá trình tiếp nhận,
xử lý các quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp và nâng
cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và năng lực phản ứng chính sách
của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường hiệu quả hoạt động rà soát, kiểm
tra văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn
hiện nay.
Nhiệm vụ Đề án: đánh giá
khách quan, đầy đủ thực trạng tiếp nhận, xử lý thông tin do cá nhân, tổ chức,
cơ quan phản ánh, kiến nghị về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo,
không còn phù hợp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin về
quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp trong hệ thống pháp luật
thông qua việc tự động hoá tối đa các khâu: Tiếp nhận, phân loại, chuyển phản
ánh, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền xử lý; công khai, chia sẻ kết quả trả
lời; theo dõi, đánh giá hiệu quả xử lý; thống kê, tổng hợp và báo cáo. Xây
dựng, vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn
bản quy phạm pháp luật tích hợp với thông tin, dữ liệu có trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về pháp luật, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng định danh
quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia để giảm thiểu chi phí xã hội, rút ngắn
thời gian, tăng tính xác thực và nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát văn bản
quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phản ứng chính sách.
Chức năng của Hệ thống thông tin bao gồm:
Gửi kiến nghị, phản ánh
và xử lý thông tin của cơ quan tiếp nhận: Cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh
nghiệp gửi phản ánh, kiến nghị về các chính sách trong văn bản quy phạm pháp
luật thông qua Ứng dụng trên thiết bị di động (app PACS) hoặc Trang thông tin
(website); căn cứ vào thông tin về văn bản quy phạm pháp luật được phản ánh,
kiến nghị thì phần mềm tự động đánh giá, lọc cơ quan chủ trì soạn thảo để đề
xuất cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp lựa chọn cơ quan nhận phản ánh,
kiến nghị. Trường hợp phát hiện thông tin phản ánh, kiến nghị không đảm bảo
chính xác, phần mềm sẽ tự động loại bỏ/không tiếp nhận phản ánh.
Tiếp nhận và phân luồng
phản ánh, kiến nghị: Trách nhiệm xử lý, chủ trì xử lý thuộc về cơ quan có trách
nhiệm rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật (là cơ quan đã chủ trì
tham mưu ban hành/cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật có kiến nghị,
phản ánh). Nội dung này được xác định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản
quy phạm pháp luật. Hệ thống sẽ tự động phân luồng trên cơ sở nguyên tắc này.
Xử lý phản ánh, kiến
nghị: Cơ quan xử lý phản ánh, kiến nghị thực hiện việc nghiên cứu, xử lý phản
ánh, kiến nghị thông qua chức năng trên Hệ thống.
Trả lời phản ánh, kiến
nghị: Đối với nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc áp dụng pháp luật
thì cơ quan ban hành văn bản/cơ quan tham mưu ban hành văn bản có thẩm quyền,
trách nhiệm trả lời cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã gửi phản ánh,
kiến nghị. Ngoài ra, đối với nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc
sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thì các chủ thể có thẩm quyền ngoài
việc tiếp nhận, trả lời sẽ gửi đồng thời đến Bộ Tư pháp để tổng hợp. Kết quả xử
lý phản ánh, kiến nghị được công khai cho mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức và
doanh nghiệp thông qua trang thông tin phản ánh chính sách và trên app PACS.
Đánh giá kết quả xử lý: Cá
nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp gửi phản ánh, kiến nghị có quyền phản
hồi lại thông tin nhằm làm rõ hơn kết quả xử lý của cơ quan nhà nước và đánh
giá kết quả xử lý của cơ quan nhà nước với 5 tiêu chí sau: (1) Rất hài lòng;
(2) Hài lòng; (3) Bình thường; (4) Không hài lòng; (5) Rất không hài lòng và Ý
kiến khác (nếu có). Các phản ánh, kiến nghị sẽ được phân loại theo kết quả xử
lý, bao gồm: Số phản ánh, kiến nghị nghiên cứu, tiếp thu; Số phản ánh, kiến
nghị giải trình, cung cấp thông tin; Số phản ánh, kiến nghị trả lại, đề nghị bổ
sung thông tin. Tổng hợp kết quả giải quyết, xử lý phản ánh, kiến nghị. Để phục
vụ cho công tác quản lý, thống kê, báo cáo, các phản ánh kiến: nghị sẽ được
tổng hợp theo một số tiêu chí sau: (1) Số tiếp nhận; (2) Số đầy đủ thông tin để
chuyển xử lý; (3) Số yêu cầu bổ sung, cung cấp thêm thông tin; (4) Số giải
quyết.
Tại Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày
05/02/205, Thủ tướng Chính phủ giao: Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: Khai thác, sử dụng Hệ thống
thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; bố
trí điều kiện bảo đảm, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ tại Đề án; kịp thời tổng
hợp, gửi báo cáo theo đề nghị của Bộ Tư pháp về tình hình triển khai thực hiện
Đề án để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Triển khai các nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn số
844/UBND-NC ngày 26/02/2025 về việc triển khai thực hiện Đề án “ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý
phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật” để triển khai thực hiện trên
địa bàn tỉnh để các cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức thực hiện./.
Lê Thành