Trong 2 ngày 12 và 13-10, tại tỉnh Tây Ninh, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã khai mạc hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Nam.
Hội thi thu hút khoảng 600 thí sinh đến từ 20 tỉnh, thành phố
khu vực phía Nam gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương,
TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh,
Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên
Giang, Cà Mau.
Ban tổ chức hội thi trao
cờ lưu niệm cho 20 đội tham dự
Phát biểu tại hội thi, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư
pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương,
Trưởng ban Tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2023
nhấn mạnh: Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa
phương làm tốt công tác hòa giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững,
hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm. Với phương châm giải quyết
"thấu tình, đạt lý", hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa
lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật; là phương thức thể hiện tính dân chủ và
tư tưởng "lấy dân làm gốc".
Ông Nguyễn Thanh Tịnh,
Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thi
Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh
chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội
mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn
kết, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước; góp phần giữ
gìn kỷ cương xã hội, sự yên bình của thôn xóm, hạnh phúc của mỗi gia đình và
tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu:
"Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" như Nghị quyết
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp
|
Đây là lần thứ tư Bộ Tư pháp tổ chức hội thi, sau thành công của
3 lần tổ chức trước đó vào các năm 2000, 2005 và 2016. Hội thi hòa giải viên
giỏi toàn quốc đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền,
cơ quan thông tin đại chúng, sự hưởng ứng nhiệt tình của các hòa giải viên trên
cả nước và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Các đội thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi
đội thi tham gia ba phần thi, gồm phần thi giới thiệu trong thời gian tối
đa 5 phút; phần thi lý thuyết, gồm thi hiểu biết, trả lời câu hỏi trắc nghiệm
và thi hòa giải khéo; phần thi tiểu phẩm.
Đáng chú ý tại phần thi tiểu phẩm, các đội thi đã có sự dàn dựng
công phu và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức nghệ thuật, sân khấu về một
vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa
giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.
Đội Bình Phước thi giới
thiệu và thi tiểu phẩm
Cổ động viên đội Bình
Phước
Hội thi nhằm góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ
sở, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công
tác này; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức
pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên; đồng thời, biểu dương và tôn
vinh những điển hình xuất sắc trong công tác này.
Toàn đội Bình Phước chụp
hình lưu niệm tại hội thi
Dự kiến, vòng chung kết hội thi sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào
ngày 8-11.
Tại lễ bế mạc sáng nay, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận và
giải thưởng cho các đội đạt giải, trong đó đội Bình Phước đạt giải khuyến khích
của khu vực miền Nam./.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn