Tháng 5/2024 là tháng có nhiều chính sách mới quan trọng liên quan đến công chức, viên chức, về giá điện, về lĩnh vực giáo dục …cụ thể như:
1. Giá
điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần: Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện
bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có
hiệu lực từ 15/5/2024.
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình
quân hằng năm, Quyết định 05/2024/QĐ-TTg nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình
quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện
lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở
mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần
điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN
quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần
điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN
được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo
cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần
điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh
hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN
trình, Bộ Công thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính
và các bộ, cơ quan liên quan.
2. Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản
lý cơ quan nhà nước
Nghị định 29/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của
Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà
nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024.
Nghị định 19 áp dụng đối với các chức
danh thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; vụ trưởng, cục trưởng, chánh
văn phòng bộ, chánh thanh tra bộ; tổng cục trưởng và tương đương; phó tổng cục
trưởng và tương đương; giám đốc sở, chánh văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và
HĐND, chánh văn phòng UBND cấp tỉnh, chánh thanh tra tỉnh, trưởng ban Ban Dân
tộc…
Các chức danh nêu trên phải đáp ứng tiêu
chuẩn chung về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật;
trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác và các
tiêu chuẩn riêng đối với từng chức danh.
Trong đó, tiêu chuẩn chung về trình độ
là tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy
định của cấp có thẩm quyền…
3. Hoàn thành Nghị định mới về cải cách
tiền lương
Ngày 5/1, Nghị quyết 01 về nhiệm vụ,
giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà
nước năm 2024 được ban hành. Trong đó, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung
quan trọng.
Liên quan đến chính sách đối với cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành Nghị
định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực
lượng vũ trang trong tháng 5/2024.
Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính
sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
4. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển
cụm công nghiệp
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát
triển cụm công nghiệp (CCN) được quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban
hành ngày 15/3/2024 của Chính phủ. Nghị định sẽ chính thức có
hiệu lực từ 1/5/2024.
Nghị định quy định ưu đãi đầu tư đối
với: CCN là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ
tầng kỹ thuật CCN là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự
án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong
CCN được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế,
pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp
pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Nghị định quy định Ngân sách địa phương
cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN
trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi
trường các CCN đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ
thuật chung thiết yếu của CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó
khăn, đặc biệt khó khăn, CCN phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên
ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống...
Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức
vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Kinh phí hỗ trợ
không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử
dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong CCN.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN
có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng
kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của CCN.
UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp
quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về việc hỗ
trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn.
-N.X-