image banner
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Hướng dẫn tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025
Lượt xem: 1747

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ngày 28/6/2023, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 1032/STP-PC về việc hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung do ngành Tư pháp phụ trách trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, như sau:

- Đối với tiêu chí số 18.4 - Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới

Việc đánh giá, công nhận và nội dung, hồ sơ, tài liệu kiểm chứng đối với tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
Việc sử dụng kết quả đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới được thực hiện theo nguyên tắc: Trường hợp việc xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức đồng thời với thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá đó để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trường hợp việc xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức trước thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì có thể sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề năm đánh giá hoặc của năm đánh giá để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc sử dụng kết quả đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 3318/UBND-KT ngày 14/6/2022 của UBND tỉnh về sử dụng kết quả chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Đối với tiêu chí 16 “Tiếp cận pháp luật” trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao

Để được xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trước hết xã phải đạt chuẩn nông thôn mới, điều đó có nghĩa với việc xã đó đã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. 

Tiêu chí 16 về tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí quốc gia xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đặt ra một số yêu cầu (Có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận; Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải được hòa giải thành; Tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu) cao hơn đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới và được xác định cụ thể tại Phần II Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP, bao gồm:

Phải có đồng thời mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở. Trong đó:

Mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động hiệu quả phải đáp ứng các yêu cầu: Đạt điểm số tối đa đối với Tiêu chí 2 “Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật” theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; có huy động được các nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị,...) hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp huyện (UBND huyện hoặc Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện hoặc Phòng tư pháp) hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng; trong 05 năm gần nhất kể từ thời điểm đánh giá, được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình này.

Mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả phải đáp ứng các yêu cầu: 100% tổ hòa giải của xã được hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên đúng theo quy định; có hoạt động phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật trong tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hòa giải; có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp huyện (UBND huyện hoặc Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện hoặc Phòng tư pháp) hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng; trong 05 năm gần nhất kể từ thời điểm đánh giá, được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình này.

Ngoài ra, đối với tiêu chí tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải thành đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu đạt ≥90%, Hướng dẫn yêu cầu UBND xã có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh để xác định tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý, tổng số người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý có yêu cầu trợ giúp pháp lý là công dân cư trú trên địa bàn xã để tính tỷ lệ % phục vụ việc đánh giá, công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Các số liệu phục vụ chấm điểm tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao được tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm trước liền kề năm đánh giá./.

                                                                                        Kim Thanh