image banner
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2021
Lượt xem: 639

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2021.

I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 10 năm 2021, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần;
2. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
3. Nghị định số 90/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 04 tháng 10 năm 2020 đến ngày 04 tháng 10 năm 2023;
4. Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô;
5. Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19;
6. Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo;
7. Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp;
2. Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt;
3. Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022
4. Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
 II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 88/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký (ngày 01 tháng 10 năm 2021).
 Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế vướng mắc trong thực tiễn thi hành Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định 88/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 10 năm 2021 đã hoàn thiện đầy đủ căn cứ và thống nhất các quy định về việc đấu giá băng tần, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trước đây. Nghị định là căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ TTTT có thể sớm triển khai đấu giá các băng tần sử dụng cho phát triển các mạng 4G/5G góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng mạng thông tin di động hiện có, sớm triển khai thương mại và phủ sóng rộng rãi mạng 5G thúc đẩy chuyển đổi số mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân. Từ đó, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong lĩnh vực ICT, chuyển đổi số. Đồng thời, dự kiến việc cấp quyền sử dụng thông qua đấu giá cũng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác định mức thu, thu, nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
Ban hành kèm theo Nghị định Phụ lục về Biểu mẫu: Mẫu giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền sử tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
2. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Đổi mới nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của bản thân cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện quyền và nghĩa vụ được đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường việc phân cấp, phân quyền trong đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời xác định rõ nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; phân loại chứng chỉ bắt buộc, không bắt buộc khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng; những căn cứ quy định của cơ quan có thẩm quyền về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý.
- Xác định cụ thể về trách nhiệm tham gia các chương trình bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức để cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức chủ động thực hiện.
- Nhằm tạo sự thay đổi căn bản và sâu sắc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới.
c) Nội dung chủ yếu:
 - Nghị định quy định về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, 2 chức danh lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.
- Nghị định cũng quy định về hình thức, nội dung bồi dưỡng, chương trình, tài liệu bồi dưỡng, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan; (3) Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia.
Ban hành kèm theo Nghị định 03 Phụ lục, cụ thể: (1) Phụ lục I – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2021 - 2022; (2) Phụ lục II – Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2021 – 2022; (3) Phụ lục III - Danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan các mặt hàng hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2021 – 2022.
3. Nghị định số 90/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 04 tháng 10 năm 2020 đến ngày 04 tháng 10 năm 2023
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 19 tháng 10 năm 2021).
Tuy nhiên, Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã được gia hạn với thời hạn 03 năm từ ngày 04/10/2020 đến ngày 04/10/2023. Do vậy, Khoản 2 Điều 9 của Nghị định quy định: “Đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 04 tháng 10 năm 2020 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và đã nộp thuế theo thuế suất cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.”
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định số 90/2021/NĐ-CP có hiệu lực thay thế cho Nghị định số 124/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.  Nghị định 90/2021/NĐ-CP được ban hành để tiếp nối thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam tại HĐTM Việt Nam – Lào cho giai đoạn từ ngày 04/10/2020 đến ngày 04/10/2023.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 phần là Lời văn Nghị định và 03 Phụ lục. Phần lời văn của Nghị định (gồm 09 Điều, cụ thể: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào (Điều 3); Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% (Điều 4); Hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA (Điều 5); Hàng hóa nhập khẩu không được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu vào Việt Nam (Điều 6); Hàng hóa nhập khẩu áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan (Điều 7); Điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào (Điều 8); Tổ chức thực hiện (Điều 9) và 03 phụ lục (Phụ lục I - Danh mục hàng hóa được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA của Việt Nam theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào; Phụ lục II - Danh mục hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào; Phụ lục III - Danh mục hàng hóa được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan hằng năm theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào) ban hành kèm theo Nghị định.
Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định gồm 14 dòng thuế (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) tương ứng với các mặt hàng như trứng chim và trứng gia cầm, nguyên vỏ, sống, đã bảo quản hoặc làm chính; lúa gạo; và đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học ở thể rắn; áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt giảm 50% thuế suất ATIGA của Việt Nam theo quy định tại Điều 5 của Nghị định.
Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định gồm 385 dòng thuế (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo HĐTM Việt Nam - Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại Điều 6, chủ yếu là các mặt hàng hạt thuốc phiện; các sản phẩm thuốc lá và phế liệu lá thuốc lá; nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng, các chất chứa bi-tum, các loại sáp khoáng chất; phế thải dược phẩm, thuốc điều trị ung thư, HIV/AIDS hoặc các bệnh khó chữa; chất nổ, các sản phẩm pháo, diêm, các hợp kim tự cháy, các chế phẩm dễ cháy khác và một số sản phẩm hóa chất khác; cao su và các sản phẩm bằng cao su; xe trừ phương tiện chạy trên đường sắt hoặc đường tàu điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng; vũ khí và đạn, các bộ phận và phụ kiện của chúng.
Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định gồm 13 dòng thuế (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) lá thuốc lá chưa chế biến; phế liệu lá thuốc lá và 3 dòng thuế lúa gạo (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% đối với lượng nằm trong hạn ngạch được quy định tại Phụ lục III. Cụ thể: Hạn ngạch nhập khẩu lá thuốc lá chưa chế biến và phế liệu thuốc lá là 3.000 tấn/năm; Hạn ngạch nhập khẩu gạo là 70.000 tấn/ năm.
Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt nêu trên, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 8 của Nghị định.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan; (3) Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ban hành kèm theo Nghị định 03 Phụ lục, cụ thể: (1) Phụ lục I - Danh mục hàng hóa được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA của Việt Nam theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào; (2) Phụ lục II - Danh mục hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào; (3) Phụ lục III - Danh mục hàng hóa được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan hằng năm theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào.
4. Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05 tháng 12 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết: Việc ban hành Nghị định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô nhằm xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện và xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các lĩnh vực và nội dung phối hợp, nâng cao sức cạnh tranh để cùng phát triển là cần thiết.
- Mục đích ban hành:
+ Thứ nhất, tạo cơ sở pháp lý để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và thủ đô Hà Nội, trong đó có việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư, phấn đấu xây dựng Vùng Thủ đô trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, đổi mới, sáng tạo, chất lượng cao và bền vững.
+ Thứ hai, đáp ứng các yêu cầu phát triển và công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong vùng để tập trung xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, đô thị và hạ tầng xã hội của Vùng; nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước, hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển và đời sống người dân trong Vùng Thủ đô.
c) Nội dung chủ yếu:  Nghị định này gồm 05 Chương và 26 Điều với một số nội dung chủ yếu như sau:
- Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng của Vùng Thủ đô.
- Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động phối hợp để thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô tại các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
- Vùng Thủ đô gồm 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.
- Về lĩnh vực phối hợp (Điều 5): Tập trung vào 09 lĩnh vực phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong vùng, cụ thể: Quản lý quy hoạch xây dựng; Y tế, giáo dục và đào tạo; Khoa học và công nghệ; Quản lý và bảo vệ môi trường; Quản lý đất đai; Quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; Quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Phát triển và quản lý giao thông vận tải; Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch.
- Nghị định quy định tập trung ưu tiên đầu tư các dự án, công trình có quy mô lớn có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa và kết nối phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng và các tỉnh trong Vùng vào một số lĩnh vực cụ thể về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp - nông thôn (Điều 11).
- Nghị định quy định về nguyên tắc, thành phần và nhiệm vụ của Hội đồng Vùng và giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Thủ đô.
5. Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành (ngày 19 tháng 10 năm 2021).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Kể từ thời gian đầu xảy ra dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, theo đó trong năm 2020, đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng giá trị khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số miễn, giảm là hơn 31,5 nghìn tỷ đồng). Trong thời gian đã qua của năm 2021, tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cũng như miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với số tiền ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 06 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí, báo chí, truyền hình... để kịp thời có giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết giao “Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết này”.
Để phù hợp thực tiễn, đồng thời quy định cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, việc ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thu và cũng là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh của thế giới; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính.
c) Nội dung chủ yếu:
- Về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (Điều 1)
Quy định về việc giảm thuế TNDN nêu trên được thực hiện trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, nhưng để chính sách hỗ trợ đúng đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 đã bổ sung điều kiện là doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Trong năm 2020, để hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 116/2020/QH14 nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020, trong đó đã quy định cụ thể về việc xác định doanh thu để xác định đối tượng được giảm thuế, cách xác định số thuế TNDN được giảm và việc kê khai giảm thuế. Quá trình thực hiện Nghị định số 114/2020/NĐ-CP của doanh nghiệp và cơ quan thuế trong thời gian qua cơ bản không phát sinh vướng mắc. Vì vậy, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP được thiết kế theo hướng kế thừa hầu hết các quy định của Nghị định số 114/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, có bổ sung quy định chi tiết một số nội dung để phù hợp với Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 và thực tế thực hiện như sau:
(1) Quy định rõ “Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.”.
(2) Sửa đổi, bổ sung quy định rõ doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế như sau “Doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.” để đảm bảo minh bạch, tránh vướng mắc trong thực hiện.
(3) Bổ sung quy định cụ thể cách xác định doanh thu trong một số trường hợp đặc thù để đảm bảo minh bạch. Cụ thể qua thực hiện Nghị định số 114/2020/NĐ-CP có phát sinh vướng mắc về doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế của các trường hợp doanh nghiệp có các đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh nên phát sinh doanh thu nội bộ, vì vậy Nghị định số   92/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định cụ thể để đảm bảo khả thi trong thực hiện.
(4) Về kê khai giảm thuế
Từ kỳ tính thuế TNDN năm 2021, tờ khai quyết toán thuế TNDN năm thực hiện theo mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ. Vì vậy, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh lại quy định về kê khai giảm thuế cho phù hợp. Ngoài ra, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP cũng điều chỉnh một số nội dung về kê khai để đảm bảo phù hợp với Luật Quản lý thuế, Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Về miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Điều 2)
Theo quy định của các Luật thuế hiện hành, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tùy thuộc theo hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải nộp các sắc thuế tương ứng như thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế thì cũng cần hướng dẫn rõ về trình tự, thủ tục thực hiện.
Theo đó, căn cứ quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định rõ việc miễn các khoản thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và quy trình, thủ tục thực hiện kèm theo các biểu mẫu.
- Về giảm thuế giá trị gia tăng (Điều 3)
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết, Nghị định số   92/2021/NĐ-CP đã quy định chi tiết như sau:
(1) Về xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế
Theo quy định nêu trên thì mới chỉ thể hiện về nguyên tắc chung việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ theo ngành kinh tế. Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện việc giảm thuế GTGT thì cần phải phân loại, xác định cụ thể từng hàng hóa, dịch vụ.
Hiện hành, việc phân loại, xác định các hoạt động trong các ngành kinh tế được căn cứ theo Danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (gồm 5 cấp) và Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam (gồm 7 cấp). Để thuận lợi cho việc xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT và đảm bảo đúng nguyên tắc của thuế GTGT, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã ban hành kèm theo Phụ lục Danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm mức thuế GTGT. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.
(2) Về lập hóa đơn
Việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, tổ chức áp dụng cả 02 phương pháp tính là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp tỷ lệ % trên doanh thu nên Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể việc xuất hóa đơn để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Nghị quyết, đồng thời để người mua hàng hóa, dịch vụ biết rõ hàng hóa, dịch vụ đã được giảm thuế GTGT. Nội dung như sau:
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì việc xác định giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT được thực hiện trực tiếp trên hóa đơn GTGT khi doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ.
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức áp dụng phương pháp trực tiếp tỷ lệ % trên doanh thu sử dụng hóa đơn bán hàng, trên hóa đơn bán hàng không có tiêu thức thuế GTGT, do đó, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp, tổ chức thực hiện giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” và ghi chú trên hóa đơn bán hàng,
- Đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nhiều hàng hóa, dịch vụ: Để đảm bảo cơ quan thuế theo dõi, quản lý và xác định đúng nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn rõ doanh nghiệp, tổ chức thực hiện lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.
- Đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm, tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định những trường hợp này được phép lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể: Người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
- Đối với trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá mà chưa sử dụng hết và có nhu cầu tiếp tục sử dụng, tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT hoặc giá đã giảm 30% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.
- Về miễn tiền chậm nộp thuế (Điều 4)
Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, căn cứ Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định một số nội dung về quy trình, trình tự thủ tục thực hiện:
+ Về đối tượng được miễn tiền chậm nộp: Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế thì thuế là khoản phải nộp ngân sách theo quy định của các luật thuế; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là khoản thu nằm trong các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (NSNN). Do đó, tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã quy định rõ đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020 thì được miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021.
+ Về thẩm quyền xác định số tiền chậm nộp được miễn và thẩm quyền miễn tiền chậm nộp: Về xác định số tiền chậm nộp được miễn: Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định giao cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất căn cứ dữ liệu quản lý thuế, xác định số tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, năm 2021 của người nộp thuế để ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp; Về thẩm quyền miễn tiền chậm nộp: Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định giao: Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp, cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quyết định miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế.
+ Về trình tự, thủ tục, hồ sơ xử lý miễn tiền chậm nộp: Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định: Người nộp thuế lập văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp, trong đó nêu rõ số lỗ phát sinh của kỳ tính thuế năm 2020 theo mẫu số 01/MTCN ban hành kèm theo Nghị định gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan thuế quản lý khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bằng phương thức điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Cơ quan thuế quản lý khoản thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, để xác định điều kiện lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 làm căn cứ xem xét miễn tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế đã được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì gửi kèm Biên bản hoặc quyết định, kết luận, thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của người nộp thuế). Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế năm 2020 được xác định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Về việc gửi quyết định miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế:
Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản đề nghị miễn tiền chậm nộp của người nộp thuế, cơ quan thuế ban hành Thông báo không chấp thuận miễn tiền chậm nộp (mẫu số 02/MTCN ban hành kèm theo Nghị định) đối với trường hợp không thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp hoặc Quyết định miễn tiền chậm nộp (mẫu số 03/MTCN ban hành kèm theo Nghị định) đối với trường hợp thuộc đối tượng được miễn tiền chậm nộp. Quyết định miễn tiền chậm nộp được gửi cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử và đăng công khai trên trang thông tin điện tử ngành thuế.
+ Về xử lý đối với các trường hợp phải điều chỉnh lại: Trong thực tế thực hiện có thể phát sinh các trường hợp người nộp thuế kê khai chưa chính xác phải thực hiện điều chỉnh hoặc các trường hợp qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện việc kê khai, áp dụng không đúng quy định. Theo đó, căn cứ quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP có quy định rõ việc xử lý đối với các trường hợp phải điều chỉnh lại.
- Về điều khoản thi hành (Điều 5)
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được áp dụng ngay các chính sách hỗ trợ, tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định “1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành”.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là địa bàn cấp huyện) chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Thông báo trong năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có nội dung dừng hoặc ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một hoặc nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (bao gồm cả việc phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn) để ban hành Danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 quy định tại khoản này.
Ban hành kèm theo Nghị định này 02 Phụ lục về danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm mức thuế giá trị gia tăng và các biểu mẫu.
6. Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2021 và thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Danh mục bệnh hiểm nghèo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được tiếp tục áp dụng để vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tới khi Danh mục bệnh hiểm nghèo theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 Nghị định này được Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Quy định thống nhất việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên phạm vi cả nước.
- Quy định cụ thể các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện; tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối.
- Nghị định quy định phải đảm bảo vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện hiệu quả, kịp thời; khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, quy định việc vận động, tiếp nhận và phân phối, đảm bảo công khai, minh bạch.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 chương và 27 điều với một số nội dung mới như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh: Bổ sung thêm quy định về khắc phục khó khăn do dịch bệnh từ nguồn đóng góp tự nguyện; bao gồm các bệnh truyền nhiễm ở người quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh động vật quy định tại Luật thú y, dịch hại thực vật quy định tại Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
- Về đối tượng áp dụng: Bên cạnh các cơ quan, đơn vị như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ từ thiện; Bổ sung thêm Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (trong tình huống khẩn cấp về thiên tai cần kêu gọi đóng góp tự nguyện từ quốc tế); các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.
- Về nội dung chi: Quy định cụ thể nội dung chi từ nguồn vận động, tiếp nhận, trừ các khoản đóng góp tự nguyện có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì tổ chức, cá nhân vận động có trách nhiệm thực hiện theo cam kết.
- Về thời gian tiếp nhận, phân phối: Quy định kéo dài thời gian tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
- Đối với việc tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân được quy định như sau:
+ Trước khi vận động: Có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông hoặc trang thông tin điện tử về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tiếp nhận, đối tượng hỗ trợ, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã (nơi đặt trụ sở chính đối với tổ chức, nơi cư trú đối với cá nhân).
+ Đối với từng cuộc vận động, việc huy động đóng góp bằng tiền sẽ mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận và không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết. Đối với cá nhân huy động đóng góp bằng hiện vật, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận.
+ Việc phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
+ Trong quá trình thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, có trách nhiệm theo dõi, ghi chép các khoản thu, chi và khi kết thúc cuộc vận động, thực hiện công khai về kết quả vận động, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
- Về trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương để thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện trên địa bàn; trong đó quy định rõ:
+ Đối với nguồn đóng góp tự nguyện do Ủy ban MTTQ Việt Nam kêu gọi, tiếp nhận: Ban Vận động chủ trì, phối hợp UBND các cấp tại địa phương để quyết định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ; phân bổ, sử dụng hỗ trợ Nhân dân gặp khó khăn.
+ Đối với nguồn đóng góp tự nguyện do tổ chức có tư cách pháp nhân, cá nhân kêu gọi, tiếp nhận: UBND các cấp tại địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Vận động hướng dẫn tổ chức, cá nhân vận động để xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và phối hợp để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; đồng thời, cử lực lượng hỗ trợ khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân vận động, tiếp nhận.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; (2) Các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; (3) Các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; (4) Các tổ chức, cá nhân liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Ban hành kèm theo Nghị định 01 Phụ lục về Biểu mẫu về Mẫu thông báo của tổ chức/cá nhân về việc tổ chức vận động và tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
7. Nghị định số 94/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 28 tháng 10 năm 2021).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu đã đẩy ngành Du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có khiến lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm 73,9% so với năm 2019, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm và phải mất 2,5 đến 4 năm để lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019 (theo báo cáo của UNWTO. Tổ chức Du lịch thế giới). Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán du lịch sẽ thuộc nhóm ngành cuối cùng của nền kinh tế phục hồi nhu cầu đã mất sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Đối với ngành Du lịch Việt Nam, các chỉ số tăng trưởng của ngành năm 2020 đều sụt giảm nghiêm trọng: lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 58,7% so với năm 2019. Trong 08 tháng đầu năm 2021, số liệu khách du lịch nội địa đạt 31,2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng hơn 2000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch. Vì vậy, việc ban hành chính sách giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong thời điểm hiện nay là cần thiết.
- Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số
168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch nhằm sửa đổi quy định về tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19. Chính sách này sẽ có tác động tích cực, góp phần giúp doanh nghiệp lữ hành vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều với những nội dung chính như sau:
- Sửa đổi, bổ sung quy định mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành: Giảm 80% số tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành so với mức ký quỹ hiện tại.
+ Về mức giảm: Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
+ Về thời hạn thực hiện: từ khi Nghị định có hiệu lực đến 31/12/2023.
+ Về quy định cụ thể mức ký quỹ (sau khi giảm) còn là: Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20.000.000 đồng; Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế: Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 đồng; Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 đồng; Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 đồng.
- Quy định trách nhiệm của tổ chức
+ Quy định trách nhiệm của Ngân hàng trong việc hoàn trả tiền ký quỹ thừa và cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ mới theo quy định tại Nghị định khi doanh nghiệp tự nguyện và yêu cầu.
+ Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thay đổi giấy chứng
nhận tiền ký quỹ.
+ Quy định trách nhiệm của Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong thực hiện Nghị định.
- Nghị định cũng quy định thời hạn có hiệu lực thi hành và hết hiệu lực, quy định điều khoản chuyển tiếp khi Nghị định này hết hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cần bổ sung tiền ký quỹ và xin cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo.
8. Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19, góp phần phục hồi sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID - 19 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định này gồm 03 chương, 08 điều với nội dung chính như sau:
- Các quy định chủ yếu: Quyết định gồm 2 chương với nội dung chính như sau:
+ Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó quy định cụ thể về: đối tượng hỗ trợ; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ; mức hỗ trợ; trình tự, thủ tục thực hiện.
 + Giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, trong đó quy định cụ thể về: đối tượng được hỗ trợ; giảm mức đóng, thời hạn thực hiện.
Đối tượng áp dụng đối với: Người lao động và người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 1 và Điều 4 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
Ban hành kèm theo Quyết định 01 Phụ lục về các biểu mẫu, cụ thể: (1) Mẫu số 01 - Danh sách người lao động có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021; (2) Mẫu số 02 - Danh sách người lao động có thông tin đúng, đủ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg; (3) Mẫu số 03 - Danh sách người lao động đề nghị điều chỉnh thông tin hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg; (4) Mẫu số 04 - Đề nghị hỗ trợ của người lao động.
9. Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 06 tháng 10 năm 2021).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Để có căn cứ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các đối tượng nêu trên, làm cơ sở đàm phán với các nhà đầu tư lớn thì Thủ tướng Chính phủ cần quy định các tiêu chí cụ thể tương ứng với từng mức ưu đãi và thời gian áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Quy định chi tiết các tiêu chí, nguyên tắc, điều kiện và trình tự xác định ưu đãi đầu tư đặc biệt quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư theo các mức ưu đãi và thời gian ưu đãi đầu tư cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch, đồng bộ trong ưu đãi đầu tư; hướng tới việc thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng, tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, hướng tới xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ theo định hướng tại Nghị quyết số 50-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định này gồm 9 Điều với nội dung chính như sau:
- Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về mức, thời gian và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.
- Đối tượng áp dụng: Quyết định này áp dụng với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến ưu đãi đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều này.
- Điều 3 Quyết định quy định về tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với Dự án đáp ứng tiêu chí công nghệ cao theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 20 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 20 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP…
- Điều 4 Quyết định quy định về nguyên tắc áp dụng, điều chỉnh ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, tổ chức kinh tế đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thực tế ở mức nào thì hưởng ưu đãi ở mức đó cho thời gian ưu đãi còn lại. Thời gian áp dụng ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi theo điều kiện hưởng ưu đãi thực tế trừ đi tương ứng số năm miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, số năm áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, số năm miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đã được áp dụng trước đó.
- Các Điều 5, 6, 7 Quyết định quy định về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước.
10. Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành (ngày 10 tháng 10 năm 2021).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết định mức phân bổ đối với từng tiêu chí, các mốc thời gian, cơ quan cung cấp số liệu làm căn cứ xác định dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm ngân sách 2022” và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6525/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 9 năm 2021 “Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn”, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành cùng với định mức phân bổ chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm 2022 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 6 điều với các nội dung chính như sau:
- Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định chi tiết định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước đối với từng tiêu chí, các mốc thời gian, cơ quan cung cấp số liệu làm căn cứ xác định dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách tại Quyết định này.
- Đối tượng áp dụng: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương); Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
- Quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương.
- Quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
11. Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm
a) Hiệu lực thi hành:  Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 12 năm 2021 và thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg được xây dựng nhằm hướng dẫn khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm là 75 triệu đồng. Hiện nay các điều kiện kinh tế vĩ mô như GDP, GDP bình quân đầu người, lạm phát, tổng số tiền gửi được bảo hiểm, ... đã có nhiều thay đổi, do vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm 75 triệu đồng không còn phù hợp với các điều kiện vĩ mô. Theo thông lệ quốc tế, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được đánh giá và điều chỉnh định kỳ để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng nhằm đạt được các yêu cầu sau đây:

- Thực hiện hiệu quả mục tiêu của chính sách bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền là cá nhân, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

- Phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô, năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
- Nâng tỷ lệ số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm từ 87% lên 91%, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (tỷ lệ số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm cần đạt từ 90% đến 95%).
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg gồm 05 Điều với một số nội dung cơ bản sau đây:
- Phạm vi điều chỉnh: Quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi.
- Đối tượng áp dụng: Người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
- Hạn mức trả tiền bảo hiểm: Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng).
- Điều khoản chuyển tiếp: Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 06 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
- Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 12 năm 2021 và thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 2021, Bộ Tư pháp xin thông báo./.
File đính kèm